Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức
Lượt xem:
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhưng cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong thời gian qua vẫn xuất hiện không ít những trở ngại trong quá trình thực hiện.
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết được 158.955 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh tiếp nhận và giải quyết 10.901 TTHC, cấp huyện 34.369 TTHC, cấp xã 113.685 TTHC. Trong tổng số TTHC được tiếp nhận và giải quyết, số hồ sơ trễ hẹn là 2.371 hồ sơ, chiếm tỷ lệ gần 1,5%. Con số này giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2016.
Có được kết quả đó, cùng với việc tập trung tuân thủ giờ giấc công vụ, thời gian giải quyết TTHC, việc cắt giảm những TTHC không cần thiết cũng được các cấp, ngành chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành cắt bỏ hơn 202 TTHC không cần thiết thuộc các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, tư pháp, đầu tư, công thương… Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết những việc liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Cũng theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác cải cách TTHC vẫn còn nhiều “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ. Thực tế, thời gian qua, sự phối hợp thực hiện TTHC theo “một cửa” liên thông giữa các cấp vẫn chưa được thống nhất. Trên địa bàn vẫn còn tình trạng kết quả giải quyết TTHC trả cho người dân không qua bộ phận “một cửa”.
Việc giải quyết TTHC vẫn còn trễ hẹn, chủ yếu ở cấp huyện. Trong khi, quy định về xin lỗi tổ chức, công dân khi giải quyết TTHC trễ hẹn vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Chưa kể có nhiều lúc, nhiều nơi còn hiện tượng các sở, ngành, địa phương liên hệ trực tiếp với nhà đầu tư để yêu cầu bổ sung hồ sơ. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Trình độ chuyên môn, đạo đức nguồn nhân lực tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hầu hết cán bộ chuyên trách các đơn vị phải kiêm nhiệm thêm các việc khác nên thời gian để tập trung tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu chuyên môn không nhiều, dẫn đến chất lượng công việc chưa cao. Ngoài ra, kinh phí mở rộng mô hình “một cửa điện tử liên thông hiện đại” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã, trang thiết bị điện tử không đồng đều… cũng là những “rào cản” trong quá trình thực hiện cải cách TTHC.
Để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC trong thời gian tới, theo lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương thì ngoài những điều kiện như cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin thì yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Bởi vì, giải pháp quan trọng được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính công, trong đó có cải cách TTHC là hoàn hiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Trong đó, các đơn vị, địa phương chú trọng đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính của cán bộ, công chức các cấp. Bởi vì, đây là đội ngũ tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật, cũng như trực tiếp thực thi pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thì tỉnh cần tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho công chức, viên chức làm CCHC của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập huấn công tác rà soát đơn giản hóa TTHC là khâu cần phải được triển khai thường xuyên, đồng bộ.
Tại hội nghị đánh giá công tác CCHC 9 tháng đầu năm 2017 của UBND tỉnh, đồng chí Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, các cấp, ngành, chính quyền các cấp cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhằm hướng đến phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” trong triển khai dịch vụ. Bởi vì, cán bộ, công chức nếu có đủ kỹ năng, trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, thái độ ứng xử thì mới nâng cao được hiệu quả của của CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng”.
Theo Báo Đắk Nông