ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Lượt xem:


Cải cách hành chính là một chủ trương, công cuộc có tính đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nhà nước. Cải cách hành chính là vấn đề diễn ra ở tất cả các quốc gia và được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, là trọng tâm của công việc cải cách bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, thống nhất, có đủ quyền lực, năng lực để thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, phục vụ đắc lực cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Cải cách thủ tục hành chính là một quá trình nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống thủ tục hiện hành theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, công khai hóa, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân. Cải cách thủ tục hành chính là một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn khách quan trong công cuộc đổi mới.

Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 xác định 6 nội dung đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

  1. Thực trạng về thực hiện cải cách hành chính tại các nhà trường

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đăk Nông, trong thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành. Đặc biệt hiện nay đã có 27 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục đã được thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Ưu điểm:

Tại trường THPT Lương Thế Vinh và hầu hết các nhà trường nói chung đã thực hiện tốt một số nội dung như:

– Tích cực chỉ đạo, xây dựng, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện công tác cải cách hành chính đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ quan mình phụ trách.

– Niêm yết đầy đủ các văn bản về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức như: Nội quy cơ quan; nội quy học sinh, quy chế hoạt động dân chủ, quy chế phối  hợp giữa các phòng ban và các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài cơ quan.

– Thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính như: Học sinh chuyển trường, công văn đi đến, nhận bằng tốt nghiệp, chế độ miễn giảm học phí,..

– Tất cả các hồ sơ, sổ sách về công tác hành chính các đơn vị lưu giữ đầy
đủ, xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp và để nơi đúng quy định.

– Phân công, phân nhiệm đến từng cá nhân phụ trách và thực hiện nhiệm vụ cụ thể; đồng thời triển khai đầy đủ các nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đoàn thể và công tác phối kết hợp với các cơ quan đoàn thể được công khai và niêm yết đúng nơi quy định.

– Đã ban hành Quyết định thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; ban hành Quy định giải quyết thủ tục hành chính.

– Đã niêm yết công khai địa chỉ tiếp nhận và phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, hành vi hành chính.

– Đã thành lập chuyên trang về CCHC trên website của đơn vị

– Hàng năm đã xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ quan. Thực hiện công tác quy hoạch đúng quy định; xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý, sử dụng tài sản công.

– Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công trong quản lý và sử dụng.

– Đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng chứng thư số, chữ ký số, khai thác hệ thống văn phòng điện tử ioffice trong quản lý, điều hành để xử lý công văn đi và đến. Nhiều thủ tục hành chính nhà trường đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đúng quy định.

* Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính ở các nhà trường hiện nay vẫn còn một số hạn chế như sau:

– Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu về thực hiện cải cách hành chính chưa thật sự quyết liệt; Công tác kiểm tra, tự kiểm tra về cải cách hành chính chưa được thực hiện thường xuyên.

– Tổ văn phòng ít người, văn thư kiêm thủ quỹ nên công việc rất nhiều, chồng chéo; có một số đơn vị văn thư là kiêm nhiệm nên chưa được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ; nhận thức và trình độ công nghệ thông tin của một số văn thư còn hạn chế. Vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện được dịch vụ công trực tuyến.

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hành chính, cho dịch vụ công trực tuyến còn thiếu và chưa đồng bộ.

– Nhận thức của phụ huynh học sinh, người dân, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu vùng xa về các thủ tục hành chính, về thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế. Rất ít người biết và truy cập để xem hướng dẫn về thực hiện quy trình, thủ tục hành chính trên trang điện tử của nhà trường.

– Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cải cách hành chính, thủ tục hành chính chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao

  1. Đề xuất một số giải pháp

Nhằm thực hiện cải cách hành chính, thủ tục hành chính có hiệu quả, các nhà trường cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

  1. Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chi bộ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường đối với công tác cải cách hành chính; gắn công tác cải cách hành chính với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm học. Tăng cường tự kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính tại nhà trường.
  2. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chuyên mục về cải cách hành chính trên trang Web của nhà trường, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức trong thực hiện công việc, áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả như: Bản tin, trang tin, pano, khẩu hiệu,… phát huy vai trò tích cực của các cá nhân, đoàn thể trong việc phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực và tiêu cực của CBGV, NV trong thực thi công vụ.

Tuyên truyền, phổ biến khuyến nghị tổ chức, người dân bằng nhiều hình thức về lợi ích và sự thuận tiện của Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để người dân biết, sử dụng.

  1. Nâng cao trách nhiệm phối hợp đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính của CBGV, NV trong nhà trường với phụ huynh, với các tập thể, cá nhân khác có liên quan. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy chế hoạt động, quy chế phối hợp theo hướng xác định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các đoàn thể trong nhà trường, trách nhiệm của từng CBGV, NV trong triển khai, thực hiện.
  2. Quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ CBGV, NV về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác văn phòng. Tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ cho công tác hành chính của nhà trường, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hỗ trợ thực hiện điện tử hóa hồ sơ bằng thao tác chụp, scan, trực tiếp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến tại đơn vị, kể cả trường hợp không phải giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị mình.
  3. Đăng tải thông tin chỉ đạo của cấp trên, hoạt động của ngành trên trang thông tin điện tử đơn vị đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời; niêm yết toàn bộ thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử của đơn vị để người dân, doanh nghiệp thuận tiện tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu tham gia giải quyết thủ tục hành chính.
  4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của nhà trường, thường xuyên áp dụng chứng thư số, chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành (Ioffice).
  5. Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, thủ tục hành chính tại nhà trường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót trong quá trình thực hiện./.